(TL-KV) – Để phục vụ cho Thế vận hội Olympic 2016 sắp tới tại Rio de Janeiro (Brasil), Studio RAFAA của Thụy Sĩ đã đề xuất một phương án với chủ đề “Tháp Thành phố Mặt trời” sử dụng các tấm pin mặt trời và những tính năng bền vững – mong muốn giúp cho Thế vận hội tại Rio lần này trở thành một Thế vận hội đầu tiên không có cacbon.
Từ vấn đề chính yếu của cuộc thi kiến trúc quốc tế: “Dự án được xem xét đặt trên một cái vịnh của thành phố Rio thuộc đảo Cotonduba, là nơi tiếp cận hạ cánh bắt buộc đối với máy bay và sẽ bao gồm một cấu trúc thẳng đứng như là một biểu tượng cột mốc cho điểm đến tại Rio, tạo nên một hình ảnh hùng mạnh – đủ khả năng mang thành phố Rio đến khúc khải hoàn trong cuộc đấu thầu tổ chức Thế vận hội mùa hè vào năm 2016. Một thách thức, do đó, bao gồm việc thiết kế một tháp quan sát mà nó sẽ trở thành một biểu tượng chào đón tất cả mọi người cho dù họ sẽ đến viếng Rio bằng đường hàng không hoặc bằng đường thủy”.
Mô tả chi tiết đồ án của RAFAA:
Khái niệm:
“Mục đích của đồ án này là đặt ra câu hỏi: khái niệm cổ điển của một công trình cột mốc (landmark) có cần phải được xem xét lại? Đồ án ít thiên về hình thức, biểu tượng kiến trúc; Chính xác hơn, nó là sự quay về với nội dung và thực tế, những thách thức thật sự cho kỷ-nguyên-hậu-dầu-hỏa sắp đến.
Đồ án này đại diện cho một thông điệp mà mọi xã hội đều phải đối mặt trong tương lai; Do đó, nó đại diện cho thái độ bên trong. Đồ án của chúng tôi, cùng đứng với truyền thống “một công trình/thành phố như một bộ máy”, sẽ cung cấp năng lượng cho cả thành phố Rio và những công dân của nó qua việc sử dụng những nguồn năng lượng tự nhiên. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt tới một thông điệp Olympic quốc tế cùng với một kháng cáo chính trị. Sau Hội nghị thượng đỉnh trái đất của Liên hiệp quốc vào năm 1992, Rio sẽ một lần nữa là điểm khởi đầu cho phong trào xanh toàn cầu và cho sự phát triển bền vững của những cấu trúc đô thị.
Nó sẽ có thể thậm chí trở thành một biểu tượng cho dấu chân không cacbon đầu tiên của Thế vận hội.
Tiếp cận
Đồ án bao gồm một nhà máy điện năng lượng mặt trời, cung cấp năng lượng mỗi ngày cho thành phố – làng Olympic. Nước biển sẽ được bơm vào trong tháp. Buổi tối, nước biển có thể được thải ra trở lại; với sự hỗ trợ của những tua-bin, nó sẽ tạo ra điện để dùng cho ban đêm. Điện sản xuất ra có thể được dùng để chiếu sáng tháp hoặc cho toàn thành phố.
Vào những dịp đặc biệt, “công trình như bộ máy” này sẽ biến thành một kỳ quan thiên nhiên đầy ấn tượng: một thác nước đô thị, một biểu tượng cho những quyền lực tự nhiên. Đồng thời, đại diện của một ý thức tập thể của toàn thành phố sẽ hướng về cảnh quan vĩ đại xung quanh nó. Băng qua một quảng trường đô thị được đặt cao hơn 60 mét trên mực nước biển, bạn sẽ được dẫn đến lối vào chính. Thông qua một giảng đường có bậc, bạn lại được dẫn đến một lối vào khác ở tầng trệt.
Tổ chức
Cả hai khu vực lối vào và giảng đường có bậc như là những nơi tụ họp và tổ chức sự kiện xã hội. Những không gian công cộng khác cũng được khởi đầu từ điểm này. Khu cà phê và shop được đặt bên cạnh thác nước – cung cấp một view nhìn thoáng đãng ra toàn cảnh từ trên cao. Thang máy công cộng đưa khách tham quan đến những sàn quan sát và ban công đô thị. Những văn phòng hành chánh có thể được tiếp cận trực tiếp từ sảnh vào. Giao thông bên trong được tổ chức bởi một lối vào riêng và một thang máy.
Các không gian bán-công cộng được đặt ở khu vực phía sau của tòa nhà; Do đó, chúng có thể được sử dụng riêng rẽ. Một tấm sàn có thể thụt vào – dùng cho nhảy bungee được đặt ở cao độ +90.5 m. Việc quan sát tầm xa có thể được thực hiện từ sàn quan sát được đặt ở cao độ +98.0 m. Ban công đô thị được đặt ở đỉnh tháp với chiều cao 105 mét trên mực nước biển. Ở đây, khách tham quan sẽ có được tầm nhìn 360° đối với phong cảnh xung quanh và có thể trải nghiệm thác nước trong khi đi bộ trên cầu lên trời bằng kính.”
KTS Lê Minh Hưng dịch