Cuộc chạy đua trong việc xây dựng những tòa nhà chọc trời nổi bật nhất và hoành tráng nhất không hề có dấu hiệu suy yếu ở châu Á. Sự phát triển năng động của nền kinh tế đã giúp các thành phố lớn trong khu vực như Kuala Lumpur, Đài Bắc và Thượng Hải hội tụ đủ nguồn lực cần thiết để ghi dấu ấn của mình trong ngành kiến trúc của thế kỷ 21.
Cuối tháng 1 vừa qua, Busan - trung tâm thương mại của Hàn Quốc - đã công bố kế hoạch xây một khu nhà chọc trời cao 560m, mang tên Trung tâm thương mại thế giới Tháp thiên niên kỷ (Millennium Tower World Business Center), làm thay đổi bộ mặt thành phố và là tòa nhà cao nhất ở châu Á khi hoàn tất vào năm 2010 hoặc 2011.
Trong khi đó, Trung tâm tài chính thế giới Thượng Hải (Shanghai World Financial Center) cao 492m mới ở thành phố Thượng Hải sẽ có một khách sạn 5 sao và một khu bán lẻ cao cấp, dự kiến khánh thành vào đầu năm 2008.
Danh hiệu cao ốc cao nhất thế giới, hiện đang do tòa nhà Đài Bắc 101 (Taipei 101) ở Đài Loan nắm giữ, sẽ thuộc về Dubai ở Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), với tòa cao ốc Burj Dubai cao 800m, dự kiến hoàn tất vào tháng 11/2008. Tuy nhiên, với tiến bộ của khoa học công nghệ trong ngành vật liệu xây dựng, kính và gia cố công trình, trong một thập kỷ tới, có thể các thành phố lớn ở châu Á sẽ còn đầu tư nhiều hơn nữa để xây dựng các tòa tháp chọc trời .
Dưới đây là một số tòa nhà cao nhất thế giới đang và sẽ có ở châu Á, xếp theo thứ tự từ cao đến thấp:
Burj Dubai ở UAE
Được thiết kế bởi công ty kiến trúc Skidmore, Owings & Merrill của Mỹ ở Chicago, Burj Dubai (trong tiếng Ảrập, burj có nghĩa là tháp) sẽ có độ cao 800m, và soán ngôi “tòa nhà cao nhất thế giới” của Tháp Đài Bắc 101 ở Đài Loan khi hoàn tất vào cuối năm 2008.
Tòa tháp này sẽ có 160 tầng, gồm một khách sạn, một khu mua sắm, hệ thống văn phòng và các căn hộ cao cấp. Dubai đang đầu tư hàng tỷ đôla nhằm khẳng định vị thế là trung tâm thương mại và tài chính của thế giới.
Tháp Thiên niên kỷ ở Busan, Hàn Quốc
Cuối tháng 1 vừa qua, với bản thiết kế Trung tâm thương mại thế giới Tháp thiên niên kỷ, công ty kiến trúc Asymptote của Mỹ đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế quốc tế do chính quyền thành phố Busan nhằm xây dựng tòa tháp cao nhất của châu Á trong đầu thập niên tới. Tòa nhà cao 560m được thành phố Busan kỳ vọng là một bước đột phá về thiết kế với 3 tháp “mảnh mai” mọc lên từ chân đế vững chắc.
Tháp Đài Bắc 101 ở Đài Loan
Quay ngược lại năm 2004, cao ốc dạng xoắn cao 509m đã “qua mặt” Tháp đôi Petronas của Malaysia để trở thành tòa tháp cao nhất thế giới, nếu đo từ sàn lên đến đỉnh tháp.
Công trình này do công ty C.Y. Lee & Partners thiết kế. Tháp Đài Bắc 101 đang giữ kỷ lục thế giới về tốc độ thang máy đi lên nhanh nhất - vận tốc 60,4 km/h. Tuy nhiên, tòa tháo này sẽ sớm bị “tiếm ngôi” vào cuối năm 2008, khi Dubai Burj hoàn tất.
Trung tâm thương mại thế giới Thượng Hải ở Trung Quốc
Thượng Hải là trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất của Trung Quốc và là “nơi cư ngụ” của những tòa cao ốc đầy ấn tượng. Năm 2008 tới đây, thành phố này sẽ có thêm một tòa nhà chọc trời nữa - Trung tâm thương mại thế giới Thượng Hải, cao 492m, gồm một khách sạn 5 sao và một khu mua sắm lớn. Tòa nhà do công ty kiến trúc Kohn Pedersen Fox thiết kế và được xây dựng bởi Tập đoàn Mori của Nhật Bản.
Tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur, Malaysia
Với độ cao 452m, tháp đôi Petronas do kiến trúc sư nổi tiếng Cesar Pelli thiết kế và đã từng là tòa nhà cao nhất thế giới khi khánh thành vào năm 1998. Kết cấu thép và kính của công trình này phỏng theo mô-típ mỹ thuật của đạo Hồi và là tòa nhà có móng sâu nhất thế giới.
Tháp Kim Mậu, ở Thượng Hải, Trung Quốc
Do công ty kiến trúc Skidmore, Owings & Merrill thiết kế, Tháp Kim Mậu 88 tầng hiện đang là tòa nhà cao nhất ở Trung Quốc - 421m, nằm ở trung tâm tài chính Phố Đông nổi tiếng của Thượng Hải. Kiến trúc chùa tháp nhiều tầng chịu ảnh hưởng nặng nề của kiến trúc truyền thống Trung Hoa.
Cái tên Kim Mậu theo tiếng Hán có nghĩa là Thịnh vượng vàng.
Trung tâm tài chính quốc tế 2 ở Hồng Kông, Trung Quốc
Kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Cesar Pelli, tên tuổi gắn với các tòa nhà cao tầng, đã thiết kế công trình vĩ đại này. Từ trên tháp cao 415m, người ta có thể nhìn ra cảng Victoria. Đây là một trong những địa chỉ kinh doanh uy tín nhất ở Hồng Kông.
Thực chất, đây là một cụm nhà cao tầng, nhưng tòa cao nhất là 415m.
CITIC Plaza ở Quảng Châu, Trung Quốc
Tòa cao ốc 80 tầng này nằm ở thành phố Quảng Châu, một trung tâm thương mại sầm uất ở phía nam Trung Quốc, cách Hồng Kông khoảng 1 tiếng đi xe lửa. Cao ốc này hoàn tất vào năm 1997 và mặc dù không còn là tòa nhà cao nhất Trung Quốc (hiện đã thuộc về Tháp Kim Mậu ở Thượng Hải), nhưng công trình cao 391m này vẫn là tòa nhà bê-tông cao nhất thế giới.
Quảng trường Shun Hing ở Thẩm Quyến, Trung Quốc
Đây là tòa nhà kết cấu thép cao nhất Trung Quốc - 384 m, hoàn thành năm 1969, gồm 69 tầng.