Một khách sạn thương mại không phải chỉ cung cấp cho khách hàng một chiếc giường êm ấm là đủ, mà quan trọng, phải tạo cho du khách cảm giác tin cậy, được chăm sóc và hài lòng với những giá trị mà nó mang lại.
“Bình quân mỗi thương gia chỉ có khoảng vài tiếng nghỉ ngơi trong phòng khách sạn sau khi tỉnh giấc. Vậy làm thế nào để tận dụng triệt để khoảng thời gian ngắn ngủi giúp khách hàng tận hưởng tối đa giá trị của những dịch vụ của khách sạn, và thậm chí, sau khoảng thời gian vài tiếng ngắn ngủi đó, khách hàng vẫn cảm nhận được sự tận tình, chu đáo mà khách sạn dành cho họ, đây chính là vấn đề hóc búa nhất hiện nay đối với các khách sạn thương mại cao cấp”. Lời phát biểu súc tích của tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn khách sạn Peninsula trong “Diễn đàn quốc tế về kiến trúc khách sạn năm 2010” được tổ chức tại khách sạn The Peninsula Hotel (Thượng Hải) đã khiến tất cả các nhà đầu tư có mặt tại diễn đàn không khỏi đăm chiêu trước cụm từ “dịch vụ đậm tình người”.
Khách sạn thương mại là khách sạn chủ yếu dành cho các thương gia (không phải khách du lịch). Theo thống kê, tỷ lệ khách thương gia có nhu cầu thuê phòng khách sạn không dưới 70%. So với khách du lịch, khách thương gia đòi khỏi khắt khe hơn khi lựa chọn khách sạn, song họ cũng bằng lòng trả giá cao hơn cho các chi phí dịch vụ.
“Trong giới thương gia, nơi bạn ở, trú ngụ, thuê phòng đại diện cho hình ảnh của bạn. Bạn hẹn gặp các nhân tài trẻ tuổi của Google và Apple? Nếu thuê phòng tại một khách sạn cổ lỗ sỹ và chỉ vang danh trong truyền thuyết, người ta sẽ đoán ra tuổi tác và tư duy tương ứng của bạn, như thế không hề có lợi cho sự giao lưu của bạn với họ.” (Giám đốc điều hành tập đoàn khách sạn Jones Lang LaSalle Hotels)
Dưới đây là danh sách 10 khách sạn thương mại hàng đầu thế giới năm 2010 do tạp chí “Wallpaper” bình chọn:
1. Khách sạn The Peninsula (Thượng Hải)
Khách sạn The Peninsula (Khách sạn bán đảo) nằm bên Bến Thượng Hải, đối diện bờ sông bên kia là trung tâm tài chính thương mại sầm uất của Phố Đông. Với phong cách kiến trúc châu Âu, lấy điểm nhấn là Bến Thượng Hải, Peninsula luôn tạo ra sự bất ngờ khi kết hợp một cách hoàn hảo và tài tình những nhân tố làm nên sự sang trọng trong một “khối mâu thuẫn” tại các không gian công cộng. 235 căn phòng đều lưu giữ nguyên mẫu kiểu phòng ốc từ thế kỷ 20 thế kỷ trước của Thượng Hải, nhưng bổ sung vào đó hệ thống mạng Wifi, mạng di động nội hạt, hệ thống điều chỉnh độ ẩm và máy bán cà phê tự động. Bên cạnh đó là đội ngũ đầu bếp hàng đầu đạt tiêu chuẩn Michelin.
2. Khách sạn Mandarin Oriental Hotel (Barcelona)
Nằm ở trung tâm thành phố Barcelona, từ một tòa nhà ngân hàng thời trung cổ, Mandarin Oriental Hotel đã được các kiến trúc sư lừng danh Carlos Ferrrater, Joan Trias và Patricia Urquiola hợp sức cải tạo và thổi vào đó một sức sống mới. Đại sảnh với trần thấp vốn là phòng giao dịch của ngân hàng trước kia. Cửa sổ kính với những trang trí giăng mắc buông rủ đầy tinh tế vốn là biệt tài của Urquiola. Bên trong 98 căn phòng là nội thất hiện đại, sang trọng được bày trí đẹp mắt và cuốn hút một cách kì lạ.
3. La Mamounia Hotel (Marrakech)
Được bao bọc giữa 20 vườn hoa tuyệt đẹp, khách sạn La Mamounia nằm trong thành cổ Marrakech của vương quốc Morocco là một khách sạn 7 sao nổi tiếng của châu Phi. Nơi đây vốn là một cung điện, sau khi được kiến trúc sư tài ba Jacques Garcia “phù phép”, đã trở thành một khách sạn tầm cỡ quốc tế, nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn nét sang trọng quý tộc kiểu Morocco, kết hợp nhuần nhuyễn với phong cách Islam và kiến trúc phương Tây trong một thể thống nhất và hài hòa đến bất ngờ. 207 căn phòng với những bức bích họa kiểu Muslim nổi bật, những khung cửa sổ điêu khắc gỗ, từng viên ngói, từng viên gạch lát, gạch ốp tường với nhiều màu sắc huyền bí khác nhau tạo nên vẻ cổ kính thần bí cho toàn bộ không gian khách sạn.
4. Khách sạn Miramar (Jerusalem)
Khách sạn Miramar chỉ cách thành Jerusalem và Jaffa Gate vài phút đi đường, là ý tưởng thiết kế của kiến trúc sư người Ý- Piero Lissoni và kiến trúc sư người Israel – Moshe Safdie. Công trình kiến trúc này tạo nên một mỹ cảm tuyệt vời về những xung đột dữ dội giữa lịch sử và thời đại. 194 căn phòng với tường đá, nền gỗ màu trầm lãng mạn và nội thất sang trọng, đặc biệt là buồng tắm với tuyệt tác tường pha lê lỏng. Khu vực ẩm thực được thiết kế tại tầng trên cùng theo phong cách Italy. Tại đây quý khách sẽ được thưởng thức những món ăn mang hương vị đặc trưng của Jerusalem.
5. Khách sạn Jefferson (Washington)
Với khoản đầu tư hàng triệu USD, “di tích lịch sử” giống hệt một học viện nghệ thuật Paris này đã được “thay hình đổi dạng”. Khách sạn Jefferson cách Nhà Trắng chỉ 4 con phố. Phong cách thiết kế và nghệ thuật bài trí đầy “thành ý” bên trong khách sạn tạo nên cảm giác thoải mái, sảng khoái, dễ chịu đặc biệt. Khu vực ẩm thực với tên gọi Plume do bếp trưởng Damon Gordon đảm nhiệm, tại đây, thực khách sẽ được thưởng thức những sáng và bữa trưa tuyệt vời nhất của Washington.
6. Khách sạn The Mark Hotel (New York)
Nằm trong khuôn viên khu đất đẹp nhất phía đông bắc thành phố New York, vẻ ngoài của The Mark Hotel tạo cảm giác đây là một khách sạn mang phong cách điển hình của những năm 20 thế kỷ trước. Nhưng khi bước vào bên trong, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước không gian hiện đại, sang trọng và thời thượng của nó. Cùng là “sản phẩm” của vị kiến trúc sư tài ba Jacques Grange, The Mark Hotel mang hơi hướng lãng mạn và hơi phô trương kiểu Pháp với những bức bích họa Gô-tíc, cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng đương đại, kết hợp hài hòa với nội thất sang trọng, hiện đại, tạo cảm giác “vương giả” và dễ chịu. Bếp trưởng Jean-Georges Vongerichten sẽ mang đến cho quý khách những món ăn châu Âu đặc trưng và ngon miệng.
7. Khách sạn The Upper House (Hongkong)
The Upper House thuộc khu cảng Kim Chung, kiến trúc sư người Hongkong – André Fu đã biến tòa nhà trên cao này thành một “cõi thiên đường” giữa lòng thành phố phồn hoa đô hội. Cột trụ bằng đá hoa nằm giữa đại sảnh khách sạn là thiết kế độc đáo của kiến trúc sư người Anh – Thomas Heatherwick. Không gian công cộng nổi bật với sự kết hợp hài hòa giữa đá cẩm thạch và gỗ bạch tượng. Đặc biệt, trong mỗi phòng ngủ còn có cả một vườn trúc mini được thiết kế kỳ công bởi kiến trúc sư tài ba André Fu. Từ quán cà phê Gray Deluxe trong khách sạn, hướng mắt ra ngoài cửa sổ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh tuyệt đẹp trên cảng Vitoria.
8. Khách sạn The Yas Hotel (Abu Dhabi)
Nằm trên hòn đảo nhỏ giữa Dubai và bến cảng Abu Dhabi, The Yas Hotel tựa như một đám mây kim loại bồng bềnh trôi trên mặt mặt nước. Khách sạn được bao bọc bởi một khung thép gồm 217 mét kim loại uốn lượn gấp khúc liên tục, phía trên gắn 5800 tấm thủy tinh ghép thành hình kim cương có thể quay tròn, buổi đêm, “viên kim cương” khổng lồ này tạo nên những hiệu ứng ánh sáng kỳ ảo và đẹp mắt. Khách sạn nối với đất liền bằng một cây cầu và chỉ mất 10 phút lái xe là có thể tới sân bay quốc tế Abu Dhabi, 15 phút là đến trung tâm thành phố Abu Dhabi. Từ khách sạn có thể đi bộ tới sân golf 18 lỗ, thế giới xe hơi Ferrari Abu Dhabi và trung tâm thương mại Yas.
9. Khách sạn Le Gray Hotel (Beirut)
Nằm ở trung tâm thành phố Beirut của Lebanon, Le Gray Hotel từ lâu đã trở thành công trình kiến trúc đặc trưng của Beirut. Những dãy hành lang dài, thoáng rộng, kiến trúc đá sa thạch 4 tầng với tổng cộng 87 căn phòng. Từ thiết kế cửa sổ đến nghệ thuật phối màu tạo kiểu đều thấm đẫm văn hóa Lebanon. Kevin Dash đã thiết kế một bể bơi trong nhà trên tầng thượng khách sạn. Tại đây bạn có thể chiêm ngưỡng quảng trường Martyrs và khung cảnh tuyệt đẹp trên biển Địa Trung Hải.
10. Khách sạn The Soho House (Berlin)
Nằm trong khu thương mại sầm uất với hệ thống kiến trúc cổ điển thuộc trường phái Bauhaus thời Đông Đức, The Soho House là thành viên mới của chuỗi “câu lạc bộ cao cấp”. Tuy chỉ có 40 căn phòng, nhưng The Soho House được trang bị đầy đủ không thua kém các khách sạn hàng đầu: nhà ăn kiểu Ý Cecconi, trung tâm thủy trị liệu, phòng tập thể hình, phòng chiếu phim, thư viện và bể bơi lộ thiên tuyệt đẹp.
Nam Anh (Tổng hợp) - theo Tầm Nhìn