Góc Học Tập

Bài Hay

Wednesday, October 6, 2010

Giải nhiệt cho nhà


Sử dụng vật liệu cách nhiệt phù hợp trong xây dựng, cũng như các cách làm mát tự nhiên cho ngôi nhà là những biện pháp "xanh" giúp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Cách nhiệt
Từ khâu thiết kế xây dựng, người chủ ngôi nhà cần quyết định sử dụng các vật liệu cách nhiệt để làm cho nhà trở nên mát mẻ hơn. Chi phí cho việc "đầu tư" để cách nhiệt ngôi nhà có thể hoàn lại nhanh chóng nhờ việc tiết kiệm được một phần hóa đơn tiền điện hàng tháng.
KTS Nguyễn Văn Ngọc, Công ty Cổ phần đầu tư Phú Lộc cho rằng, hiện nay có nhiều cách để "giải nhiệt" cho nhà cả mùa hè lẫn mùa đông bằng cách sử dụng vật liệu chống nhiệt cho nhà. Khác với loại tôn hấp thụ nhiệt cao trước đây, hiện nay có loại tôn chống nóng phủ một lớp PU cách nhiệt dày 16mm bên dưới tôn 5 sóng, cao 30mm giúp cách nhiệt, cách âm hiệu quả.
Hay tấm polycarbonat cũng được sử dụng nhiều do chịu được nhiệt độ cao của thời tiết, cách âm cách nhiệt lại làm cho ngôi nhà sáng nên tiết kiệm được điện năng. Loại tấm lợp này được sử dụng nhiều ở sân thượng, cầu thang hay sân vườn...
Theo KTS Phạm Minh Hiếu, Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long, việc cách nhiệt trần nhà là quan trọng nhất. Ngoài các vật liệu giúp ngăn bức xạ nhiệt xâm nhập vào nhà trong mùa hè và hạn chế sự thoát nhiệt trong mùa đông, các gia chủ còn có thể yêu cầu thiết kế các tấm ốp trần, làm trần thạch cao cách nhiệt, hoặc sử dụng phim cách nhiệt cho cửa kính...
Theo KTS Hiếu, màng phim cách nhiệt có thể giảm được tới 99% tia cực tím và 79% lượng nhiệt năng hấp thu qua cửa sổ. Ngoài ra, bạn cũng nên lựa chọn các màu sơn sáng cho tường nhà để tránh hấp thụ nhiệt từ ánh nắng mặt trời.
Che nắng, tạo bóng mát
Theo KTS Nguyễn Văn Ngọc, sử dụng các cách thân thiện môi trường như trồng cây quanh nhà để không bị nóng, hay làm vườn cây cảnh trên mái nhà cũng là những giải pháp hay. Việc trồng cây trên mái nhà bằng hộp xốp đang được ứng dụng ngày càng nhiều mà không gây ảnh hưởng gì đến kết cấu của mái nhà.
"Mái nhà thậm chí còn tốt khi được che nắng gắt giúp căn phòng phía dưới giảm được nhiệt độ đáng kể. Hơn nữa, hộp xốp ngăn mưa đột ngột sẽ giúp trần nhà không bị nứt", KTS Ngọc cho hay.
Ngoài ra, chỉ cần màn che, rèm cửa hai lớp gồm màn sáo, màn vải được gắn sát vào tường hay cửa sẽ giúp ngăn ánh sáng soi vào làm căn nhà nóng bức. Nên sử dụng rèm, và mành chắn cửa sổ màu trắng hay sáng màu để che nắng và giúp phản xạ lại ánh nắng mặt trời chiếu vào cửa sổ.
Trồng cây tạo bóng râm mát cho ngôi nhà là cách thức đơn giản nhưng rất hiệu quả. Các cây bụi trồng cạnh tường hoặc các loại cây leo tường sẽ ngăn tường hấp thụ nhiệt. Chú ý tránh làm tường bằng đá ở phía nam và phía tây vì chúng làm tăng sự bức xạ nhiệt cho ngôi nhà.
Hạn chế nguồn phát nhiệt
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học Nhiệt lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội, đồ điện tử khi sử dụng sẽ thải ra một lượng nhiệt nhất định từ đó làm tăng nhiệt độ phòng. Tuy việc sinh nhiệt sẽ gây không khí nóng bức vào mùa hè nhưng lại ấm lên vào mùa đông, nhưng để an toàn cho sức khoẻ, tốt nhất nên hạn chế sử dụng quá nhiều đồ điện tử trong một phòng, nhất là ở phòng ngủ nên hạn chế tối đa.
Khi chọn đồ điện tử nên chọn vừa công suất so với căn phòng cũng như số lượng người sử dụng nhằm tiết kiệm điện cũng như hạn chế các tác hại ngoài ý muốn. Khi không cần dùng các thiết bị điện sinh nhiệt, bạn cần chú ý tắt chúng đi. Không đặt đèn hay ti vi gần thiết bị điều nhiệt của máy điều hòa, không dùng bàn là trong phòng điều hòa vì chúng sẽ khiến cho máy điều hòa làm mát lâu hơn. Khi nấu nướng bạn cũng nên dùng lò vi sóng và nồi áp suất vì các thiết bị này ít sinh nhiệt và tiết kiệm năng lượng hơn lò nướng, sấy, hấp...
Theo Bee.net.vn